Công nghệ 3D đang tạo nên những thay đổi kỳ diệu trong thế giới công nghệ, giải trí. Nhưng công nghệ in 3D lại mở ra một trang mới trong thế giới 3D với khả năng “in” ra những mẫu vật thật, thậm chí là một chiếc máy bay
Bạn có thể sử dụng máy in 3D để in các vật thể 3 chiều. Chẳng hạn, bạn có thể đặt một trái táo lên máy in, sau đó các camera sẽ quét hình trái táo và người dùng có thể lựa chọn hình ảnh để in ra tấm ảnh trái táo ở mọi góc độ.
Máy in HP DesignJet 3D
Tuy nhiên, chúng ta đang nói tới những máy in ra vật thể như thật với màu sắc và mọi góc cạnh hoàn chỉnh, giống hệt những gì thiết kế bằng phần mềm đồ họa. Với máy in HP DesignJet 3D, người dùng có thể “in” ra các đồ vật, vật dụng, quần áo thời trang… Nghe như khoa học viễn tưởng nhưng đó là chiếc máy in có thật và đang được sử dụng rộng rãi. Bí mật của công nghệ in này là mực in – một loại bột đặc biệt làm từ titan, nhựa, silicone… khi “in” sẽ được kết dính với nhau bằng loại keo đặc biệt và tạo nên hình 3D theo mô phỏng. Với công nghệ in 3D, các nhà thiết kế có thể kiểm tra khoảng cách giữa ý tưởng với mô hình sản phẩm trong thực tế, nhanh chóng chỉnh sửa, thay đổi thiết kế trước khi sản xuất hàng loạt. Chẳng hạn, hãng Contour Crafting với ý tưởng in nhà 3D. Công ty này muốn sản xuất những chiếc máy in 3D to cỡ chiếc xe tải để sử dụng tại các công trường xây dựng.
Thậm chí, các kỹ sư hàng không tại đại học Southampton (Anh) đã sử dụng công nghệ 3D để “in” máy bay Sulsa hoàn chỉnh sau chưa đầy 1 tuần và có thể bay trong 10 phút. Ngay cả những bộ phận phức tạp và chuyển động như bánh lái cũng được “in” mà không đòi hỏi khâu lắp ráp về sau. Sulsa được trang bị động cơ điện tử (thành phần duy nhất không được in 3D) để không cần dùng đến nhiên liệu và gần như không gây tiếng ồn khi bay. Thành công này hứa hẹn quá trình chế tạo máy bay thương mại trong tương lai sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ công nghệ in ấn 3D.
Máy in 3D MakerBot
Hiện nay, các loại máy in 3D trên thị trường có giá từ 17.000 USD/máy như chiếc HP Designjet 3D đến trên dưới 1.000 USD/máy như chiếc MakerBot mà công ty MakerBot Industries (Mỹ) đang cung cấp, thường chỉ được trang bị trong các trường đại học, các công ty thiết kế công nghiệp. Tuy nhiên, các hãng máy in đang cải tiến công nghệ in 3D để thiết kế các loại máy in 3D ngày càng thông dụng hơn cho doanh nghiệp nhỏ và đồ dùng cá nhân. Máy in 3D iModela có giá 899 USD. 3D Systems đặt mục tiêu tung ra thị trường các máy in 3D dưới 500 USD trong thời gian tới. Trong khi đó, máy in Repalicator sử dụng các phần mềm thiết kế 3D miễn phí như TinkerCAD hay Google Sketchup để “sản xuất” các mẫu vật mô phỏng. Ngoài ra, hiện nay có khá nhiều trang web cung cấp các phần mềm và ý tưởng thiết kế mô hình 3D cho máy in như 3D của Thingverse của MakerBot với hơn 10.000 mẫu thiết kế.